Cuộc Sống Mới Hạnh Phúc Của Chu Tiểu Vân
Chương 43: Ti vi khiến người ta say mê
Ai cũng vui mừng. Có điện rồi sau này không cần thắp đèn dầu, chuyển sang dùng đèn điện, không tốn bao nhiêu mà còn sáng hơn đèn dầu nhiều.
Đến khi nhà Chu Quốc Cường mắc đường dây điện, điều kiện học tập của Chu Tiểu Vân rõ ràng được cải thiện hơn trước. Trước đây, dùng đèn dầu ánh sáng tối tăm trong thời gian dài không tốt cho mắt. Bây giờ, bóng đèn bốn mươi watt chiếu sáng cả căn phòng, rất tiện cho việc học.
Chu Tiểu Vân tự động kéo dài thời gian luyện chữ thêm nửa tiếng đồng hồ, Triệu Ngọc Trân không tiếc tiền điện để hỗ trợ cô. Bà không biết nhiều chữ nhưng cũng có thể nhìn ra chữ con gái mình càng ngày càng đẹp, đi đâu nhắc tới con gái toàn nói lời hay ý đẹp. Bác Cả Chu Quốc Phú năm ngoái đóng ghế cho khách, còn lại không ít mẩu gỗ thừa, đóng thành một bàn học cho cô và Đại Bảo dùng. Cô thích lắm, cái bàn nho nhỏ, có tủ cất sách khiến mặt bàn rộng hơn, viết chữ hay đọc sách cũng thoải mái để tay.
Trong phòng vốn có một cái bàn cũ đã lung lay Đại Bảo vẫn dùng, bị Tiểu Bảo khắc không ít vết lên đó. Cô không thích nhưng không có sự lựa chọn khác nên đành dùng tạm. Giờ có bàn học mới, cái cũ bị vứt bỏ.
Đến tối, Chu Tiểu Vân, Đại Bảo mỗi người một đầu, mặt hướng vào nhau học bài. Tiểu Bảo bị không khí học tập hấp dẫn, ngồi ỳ dưới chân bàn không chịu đi. Cô sợ em trai ở bên cạnh nói linh tinh ảnh hưởng đến việc học nên dạy cậu đếm số. Thực ra cô không sợ em quấy rầy, cái chính là lo cho Đại Bảo dạo này đang chăm chỉ học sẽ vì Tiểu Bảo mà phân tâm.
Có việc để làm, Tiểu Bảo ê a tập đến số, qua một thời gian, không ngờ có thể đếm từ một đến mười. Quả nhiên không có con nít ngốc nghếch, chỉ có đứa trẻ không chịu học thôi! Chu Tiểu Vân than thở như vậy. Em trai Tiểu Bảo sau khi tốt nghiệp trung học không thi lên đại học, sau này ra ngoài làm thuê, hằng năm về quê không quá hai lần. thật ra Tiểu Bảo còn thông minh hơn anh trai, nếu được giáo dục tốt có thể học cao hơn. Trẻ con phải dạy từ bé! Đối với hành động của Tiểu Bảo, Triệu Ngọc Trân giơ hai tay tán thành, dù sao tốt hơn chạy ra ngoài chơi.
Nhà Chu Quốc Phú sau khi có điện, mua một cái ti vi. Thời ấy, nhà đầu tiên trong thôn có ti vi cũng là nhà Phùng Thiết Trụ gia và nhà bác cả, một thời gian sau, mọi người đua nhau đến nhà bác xem ti vi.
Chiếc ti vi đen trắng mới mua nhãn hiệu gấu trúc, phía trên dựng một dây anten, lấy tay đè vào nút bật, tay kia không ngừng chỉnh ăng ten, chưa có điều khiển từ xa nên hồi đó hoàn toàn làm bằng tay. Ti vi màu có điều khiển từ xa phải mười năm mới xuất hiện. Bây giờ có ti vi đen trắng để xem đã là quý lắm rồi.
Phòng khách nhà bác cả ngày nào cũng có trẻ con đến coi ké ti vi, sau này người lớn buổi tối ở nhà không có việc gì cũng sang đây xem. Không có chỗ ngồi thì đứng nhìn, thậm chí có người đứng ngoài cửa xem. Không có cách nào khác, nông thôn không có nhiều trò tiêu khiển, có ti vi về làng có ai không muốn xem.
Trong đám người coi ké ti vi có cả Đại Bảo và Tiểu Bảo. May mà Đại Bảo nhớ rõ phải làm xong bài, vừa làm xong, sách vở chưa kịp thu dọn đã chạy ngay sang nhà bác. Bình thường đợi đến khi bác gái thông báo tắt ti vi đi ngủ mới lưu luyến không rời quay về nhà. Ngày chủ nhật dứt khoát đóng đô cả ngày ở đó, ngay cả bữa trưa cũng ăn cùng nhà bác Cả, Tiểu Bảo đi theo anh sau này cũng thành khách quen.
Chu Tiểu Vân thấy nhà bác đông người quá nên không muốn đi xem náo nhiệt, ở nhà an nhàn luyện chữ.
Một thời gian sau, Thẩm Hoa Phượng bắt đầu xót tiền điện. Ban đầu bà được nở mày nở mặt khi người đến nhà mình xem ti vi nối liền không dứt, mấy ngày đó được phổng mũi một phen. Người lớn đến nhà bà xem ti vi không tránh được chuyện trò dăm ba câu, ai cũng khen nhà bà khá giả, tốt tính.
Thẩm Hoa Phượng rất thích nghe những lời khen ngợi đó. Từ trước đến nay bà vốn không thích nhà chú Ba ở thị trấn khá giả hơn nhà mình, lần trước đến nhà đỏ mắt khi họ có ti vi. Nếu không, tại sao trong thôn mới có điện không lâu bà đã giật dây chồng đi mua ti vi về.
(đỏ mắt: nhìn thấy người khác có danh lợi hoặc đồ vật quý thì ngưỡng mộ nhưng sinh ra đố kỵ, thậm chí muốn chiếm lấy hoặc cướp lấy làm của riêng)
Mỗi ngày người đến kẻ đi, ti vi bật từ sáng đến tối mịt, bà bắt đầu tỉnh lại sau cơn hưng phấn. Cứ tiếp tục như vậy, tiền điện mỗi tháng sẽ cao ngất ngưởng. Nhưng ở quê, hàng xóm đều là người quen, không ít nhà còn là họ hàng, không thể trực tiếp há mồm bảo người ta đừng đến nữa.
Thẩm Hoa Phượng suy nghĩ đã lâu, cuối cùng nghĩ ra một cách hay. Đến tám giờ tối, bà sẽ xin lỗi mọi người, muốn ngủ sớm ngày mai sáng sớm có việc phải làm rồi tắt ti vi. Trẻ con xem đến chỗ hay hò hét muốn xem tiếp, người lớn xấu hổ không thể nói lời kì kèo, mọi người lần lượt ra về. Sau một, hai lần như vậy, có vài người sẽ hiểu đây là uyển chuyển hạ lệnh đuổi khác, dần dần người đến ít hơn. Cho dù có đến, cũng biết điều đến tám giờ tự động ra về. Bà âm thầm đắc ý, đã đạt được mục tiêu ít mở ti vi lại không trực tiếp đắc tội với người khác.
Nhưng trong số đó, vẫn có đứa nhỏ không biết điều, ví dụ như Đại Bảo, ngày nào cũng nài nỉ để được xem thêm. Với đứa cháu trai nghịch như quỷ này, Thẩm Hoa Phượng mắng không được, chửi không xong, chỉ có thể sầm mặt bảo nó về nhà.
Đại Bảo cảm thấy mình rất oan uổng, về nhà kể chuyện này cho mẹ Triệu Ngọc Trân. Trẻ con có thể không hiểu uẩn khúc trong đó, sao Triệu Ngọc Trân có thể không rõ.
Triệu Ngọc Trân tức giận Thẩm Hoa Phượng quá mức keo kiệt, nghiêm khắc hạ lệnh cho Đại Bảo không được phép sang đó nữa.
Đại Bảo không nghe, la hét “Con muốn đi, con muốn xem ti vi. Ai bảo nhà mình không có ti vi, con sẽ sang nhà bác Cả xem.” Triệu Ngọc Trân tức không nói nổi, tát con một cái
Thấy gương mặt Đại Bảo bị đánh hồng rực lên, in dấu năm ngón tay, trong lòng bà hối hận. Đại Bảo chỉ là trẻ con biết cái gì, hà tất phải trút giận lên đầu thằng bé?
Hai anh em ở gần nhau rất thân thiết. Nhà anh cả giàu hơn nên thường xuyên giúp đỡ nhà mình. Lúc thiếu tiền đều là mượn của nhà anh ấy. Đại Nha vẫn mặc quần áo cũ của Tiểu Hà – lúc đó đưa quần áo cũ của con mình cho con nít nhà khác nhỏ hơn mặc cũng là một cái ơn không lớn không nhỏ.
Vì vậy, trước mặt Thẩm Hoa Phượng, Triệu Ngọc Trân luôn có cảm giác yếu thế. Những lời của Đại Bảo đâm trúng nỗi đau trong lòng bà, dù ít khi đánh con, Triệu Ngọc Trân không nhịn được tát Đại Bảo một cái thật nặng.
Đại Bảo oà khóc, chạy vào trong phòng khóc nức nở.